Tìm kiếm tin tức
Liên kết website

Biện pháp phòng tránh và thoát nạn khi xảy ra bão, lũ, sạt lở đất
Ngày cập nhật 09/09/2024

Để giảm thiểu thiệt hại về người và của do bão, lũ lụt, sạt lở đất gây ra, BCH. PCTT-TKCN phường Hương Hồ khuyến cáo người dân một số lưu ý quan trọng và biện pháp phòng tránh, thoát nạn khi xảy ra các hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm

Dự báo từ tháng 9-11/2024, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm là 5,9 cơn), trong đó số cơn đổ bộ vào đất liền cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm là 2,9 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh thành phía Nam.

Về diễn biến mưa, ở Trung Bộ, mùa mưa bão bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến cuối năm, từ tháng 9-11/2024, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm.

Trước diễn biến khó lường của thời tiết, BCH.PCTT-TKCN phường Hương Hồ khuyến cáo người dân một số biện pháp phòng tránh và thoát nạn khi xảy ra bão, lũ, sạt lở đất nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của.

Cách phòng tránh bão

Trước khi bão xảy ra: 

- Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão.

- Gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; xác định vị trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng.

- Dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày.

- Nếu không có lệnh sơ tán của chính quyền, hãy tìm nơi trú ẩn trong nhà cho gia đình mình (nơi an toàn nhất khi có bão là phòng bên trong không có cửa sổ). Chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bão về như: Chèn chống các cửa của nhà; loại bỏ những cây, cành bị chết, bị bệnh và cây cao có nguy cơ gay đỗ gần nhà; xác định các vật dụng trong sân nên mang vào trong nhà; vệ sinh máng nước mưa, giếng cửa sổ, đường thoát nước, đường ống thoát nước.

- Các thành viên trong gia đình có thể bị chia cắt trong một cơn bão. Hãy chuẩn bị bằng cách lập một Kế hoạch liên lạc, tiếp cận với nhau. Thiết lập một liên hệ bên ngoài khu vực (chẳng hạn như người thân hoặc bạn bè trong gia đình), người có thể điều phối vị trí và thông tin của các thành viên gia đình nếu phải tách ra.

- Chuẩn bị một bộ đồ dùng cho gia đình (đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng). Các gia đình có trẻ em nên để mỗi trẻ tự tạo gói đồ dùng cá nhân của mình.

Trong khi xảy ra bão:

- Đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật…

- Không trú, tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ.

- Nên ở trong nhà, nơi trú ẩn không đi ra ngoài, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào.

- Chuẩn bị sẵn đèn pin đề phòng mất điện, không sử dụng nến để thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

- Đề phòng lốc xoáy do bão gây ra; nên ở bên trong và ở trung tâm ngôi nhà nơi an toàn nhất.

- Nếu được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp.

- Thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu nạn, cứu hộ.

Sau khi xảy ra bão:

- Tiếp tục theo dõi tin tức và cập nhật tình hình thời tiết.

- Chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra.

- Không đến gần hoặc đi vào các công trình nhà đã bị hư hại, ngập nước, tuân thủ theo các biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn), vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm.

Phòng tránh lũ, lụt

Lụt là hiện tượng nước dâng cao do mưa, lũ gây ra làm ngập cả một vùng rộng lớn. Lụt có thể do lũ lớn, nước lũ tràn qua bờ sông (đê) hoặc làm vỡ các công trình ngăn lũ vào các vùng trũng, cũng có thể do nước biển dâng khi gió bão làm tràn ngập nước vùng ven biển.

Dưới đây là một số lưu ý khi gặp lũ lụt giúp giảm thiểu thiệt hại, thương tích đối với con người:

Trước khi xảy ra lũ, lụt, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi mình đang sống để chủ động đối phó. Bên cạnh đó, cần thực hiện một số việc sau:

- Chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ tiếp tục lên cao.

- Bảo vệ nguồn nước; dự trữ nước uống lương thực, thực phẩm, thuốc men, để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày.

- Tìm hiểu độ cao của khu nhà của mình đang ở để xác định mức lũ dự báo có khả năng ảnh hưởng đến ngôi nhà của mình hay không.

- Di chuyển các thiết bị và vật dụng có giá trị ra khỏi các khu vực dễ bị ngập lụt.

- Tìm hiểu cách ngắt điện, gas và nước trong nhà mình ở.

- Chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở.

- Lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

- Có phương án đề phòng lũ xảy ra vào ban đêm.

Trong khi xảy ra lũ, lụt, cần theo dõi cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt như: Nước dâng nhanh, ngập lụt đường cao tốc, cầu và các khu vực trũng thấp. Khi có cảnh báo lũ, lụt xảy ra tại khu vực mình sinh sống, hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:

- Ngay lập tức di tản đến khu vực trú ẩn an toàn có nền đất cao hơn nếu được chính quyền địa phương yêu cầu.

   

Hình ảnh: Lực lượng phường hỗ trợ di chuyển người dân đến nơi an toàn trong đợt lũ năm 2023.

- Tránh xa các khu vực bị ngập lụt, ngay cả khi nước đang rút; không đi bộ, bơi lội hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết.

- Nếu đang ở ngoài trời và phải di chuyển qua vùng nước ngập, hãy kiếm một cây gậy để kiểm tra mực nước trước khi đi qua; không được đi qua và lại gần khu vực bị sạt lở.

- Nếu đang ở trên xe ô tô, khi gặp nơi có lũ, nên quay lại và tìm đường khác để di chuyển. Nếu không có đường tránh, nên tìm nơi để đứng chờ tới khi nước rút. Không lái xe đến những đoạn đường dốc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập nước vì dòng nước đang chảy mạnh có thể làm trôi xe hoặc dưới vùng nước có những chỗ trũng, hố sâu gây nguy hiểm đến tính mạng. Không lái xe quanh những chướng ngại vật và luôn đảm bảo sự an toàn của bản thân. Nếu xe bị ngập nước, hãy nhanh chóng tắt máy, bỏ xe lại và tự cứu mình.

- Đề phòng rắn ở những vùng ngập nước.

- Sử dụng đèn pin thay vì sử dụng thiết bị chiếu sáng bằng ngọn lửa trần (nến, đuốc..) để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

- Cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình mưa lũ thông qua tivi, báo, đài phát thanh…

Sau khi xảy ra lũ, lụt, người dân cần:

- Để mắt đến trẻ em, không để chúng nghịch nước tại các nơi như cống thoát nước mưa, khe núi hoặc cống rãnh.

- Không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng. Sử dụng nước từ các nguồn an toàn (chẳng hạn như nước đóng chai) cho đến khi nguồn nước sinh hoạt của gia đình không còn bị ô nhiễm (đun sôi, khử trùng hoặc chưng cất làm sạch nước).

- Trước khi vào lại ngôi nhà bị hư hỏng do lũ, lụt cần ngắt điện ở hộp cầu chì, aptomat hoặc cầu dao chính cho đến khi ngôi nhà của mình được làm khô an toàn; kiểm tra hệ thống gas; kiểm tra và tìm các nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ; kiểm tra sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ và tường xem có vết nứt hoặc các hư hỏng khác để đảm bảo ngôi nhà không có nguy cơ bị sập.

Một số lưu ý:

- Khi gặp những tình huống nguy hiểm, hãy gọi điện thoại số đến BCH.PCTT-TKCN phường (Trưởng ban: 0911 848868; Phó trưởng Ban: 0382432568) để cử lực lượng hỗ trợ giúp đỡ.

- Tránh xa khu vực dòng nước khi nước lũ đang rút đi. Có nhiều khu vực bị ô nhiễm do nguồn nước bẩn.

- Khi người bị ướt do nước lũ tràn vào, nên dùng xà phòng tắm rửa thật sạch sẽ.

- Trường hợp trở về ngôi nhà đã từng bị ngập nước, cần chú ý:

+ Đi tránh lũ và trở về nhà, đừng bước vào nhà ngay mà phải kiểm tra chắc chắn xem có khả năng nhà bị sập đổ hay không, kiểm tra van bình gas, cầu dao điện.

+ Gas có thể bị rò rỉ và lan ra khắp nhà nên tuyệt đối không được sử dụng diêm hay bật lửa, hãy mở cửa sổ ra để thông gió trước.

+ Không nên ăn uống, nấu nướng với thực phẩm hoặc nguyên liệu bị ngập nước vì có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

+ Phải kiểm tra thật kỹ xem nguồn nước ăn có bị ô nhiễm hay không rồi mới sử dụng.

Phòng ngừa và thoát nạn khi xảy ra sạt lở đất

Sạt lở đất đã xảy ra ở hầu hết mọi nơi và có thể gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Sạt lở đất là do biến động của một ngoại lực tác động vào khối đất đá, mảnh vụn. Dưới tác động của các yếu tố ngoại lực đó làm cho độ dốc của triền núi, con đồi, mô đất không ổn định. Sự tác động của trọng lực làm khối đất đá di chuyển xuống khu vực thấp hơn, có thể di chuyển chậm và gây ra thiệt hại từ từ hoặc di chuyển nhanh chóng phá hủy tài sản và lấy đi sinh mạng con người một cách đột ngột và bất ngờ.

Hầu hết các vụ sạt lở đất là do các hoạt động bồi đắp, san lấp của con người hoặc từ tự nhiên, chẳng hạn như mưa lớn, bão, lũ,...hiện tượng sạt lở đất có xu hướng trầm trọng hơn khi có sự ảnh hưởng của lũ lụt. Ngoài ra, các khu vực bị cháy rừng, chặt phá rừng cũng khiến cho đất, đá bị xói mòn và dẫn đến hiện tượng sạt lở.

Lở đất thường xảy ra tại các khu vực đã từng xảy ra hiện tượng sụt lún trong quá khứ hoặc vị trí có địa hình nền đất yếu. Để chủ động phòng, tránh chúng ta nên tìm hiểu về nguy cơ sạt lở đất ở khu vực nơi ở, làm việc của mình. Các dòng chảy đá vụn và các vụ sạt lở đất khác thường xảy ra trên đường đi của mưa, bão và khu vực ao, hồ, ven sông (có thể xảy ra ngay lập tức hoặc do thời gian lưu lượng dòng chảy gây xói mòn dẫn đến hiện tượng lở đất). Nền đất bão hòa nặng rất dễ chuyển thành bùn và các dòng chảy vụn.

Một số lưu ý khi sống trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất:

- Tìm hiểu về các kế hoạch sơ tán và ứng phó khẩn cấp tại địa phương.

- Hướng dẫn mọi người trong gia đình về những việc cần làm nếu xảy ra sạt lở đất.

- Chuẩn bị và thực hành một phương án, tình huống sơ tán cho gia đình khi sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá.

- Làm quen với vùng đất xung quanh nơi ở và làm việc để hiểu được các rủi ro của mình trong các tình huống khác nhau.

Hình ảnh: Sạc lỡ đất ở Dâu Tằm Xước Dũ năm 2023

- Quan tâm đến các công trình thoát nước trên các sườn dốc gần nhà, đặc biệt là nơi nước chảy tràn tụ lại.

Cần làm gì nếu xảy ra hoặc có khả năng xảy ra lở đất?

- Nếu thấy nguy cơ sắp xảy ra sạt lở đất, hãy sơ tán ngay lập tức. Thông báo cho người thân trong nhà, hàng xóm bị ảnh hưởng nếu có thể, và báo cho BCH.PCTT-TKCN phường để được hỗ trợ.

Phải làm gì sau khi xảy ra sạt lở đất?

- Tránh xa khu vực sạt lở vì có thể có nguy cơ xảy ra các sạt lở thứ cấp.

- Kiểm tra những người bị thương và bị mắc kẹt, không đi vào khu vực sạt lở trực tiếp. Chỉ dẫn cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ đến vị trí của những người bị kẹt, người có thể cần hỗ trợ đặc biệt như trẻ sơ sinh, người già và người khuyết tật có thể yêu cầu hỗ trợ thêm trong trường hợp khẩn cấp.

- Nghe đài phát thanh hoặc đài truyền hình địa phương để biết thông tin khẩn cấp mới nhất.

- Thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng, sơ tán đến các khu vực an toàn và đồng thời cùng cơ quan chức năng khắc phục hậu quả do sạt lở đất, đá gây ra nếu có thể.

 

Hình ảnh: Sạc lỡ đất sông Bạch Yến gần nhà ông Tổng, TDP Long Hồ Hạ 2 trong năm 2023

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 115.078
Truy cập hiện tại 51