Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Bác Hồ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài trên tất cả các bình diện như tư tưởng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tính kỷ luật, năng lực công tác, phong cách làm việc… Riêng về phong cách làm việc của cán bộ, Bác Hồ đã có những lời căn dặn, chỉ bảo rất tâm huyết, sâu sắc, thuyết phục. Chính cuộc đời, phong cách làm việc của Người là một tấm gương vĩ đại để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo.
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách làm việc của cán bộ. Đó là kết hợp tính nguyên tắc với biện pháp thực hiện linh hoạt; kết hợp tính cách mạng với tính khoa học; kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; phong cách làm việc quần chúng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Chẳng hạn, về tính nguyên tắc kết hợp với biện pháp thực hiện linh hoạt, có lần Bác Hồ từng dạy cán bộ phải: “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Chấp hành nghiêm nguyên tắc như trên, song Bác Hồ nhấn mạnh trong quá trình thực hiện cần linh hoạt, mềm dẻo, phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Để cán bộ có phong cách làm việc quần chúng, Người chỉ ra cách làm rất cụ thể, dễ hiểu: “Cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện, các xã. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn. Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ. Để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát, rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và học hỏi dân”. Người cũng phê bình, chấn chỉnh tình trạng một số cán bộ mắc bệnh “bàn giấy”, xa dân, quan liêu.
Đến nay, những tư tưởng của Bác Hồ về phong cách làm việc của cán bộ vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, luôn được Đảng ta, Đảng bộ tỉnh Hải Dương vận dụng, kế thừa, phát triển sáng tạo. Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đến nay, đất nước ta, tỉnh ta đã có đội ngũ cán bộ không ngừng trưởng thành, phát triển, chất lượng ngày càng được nâng lên. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực được nâng lên, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ còn hạn chế, yếu kém nhiều mặt, trong đó có phong cách làm việc. Không ít cán bộ không chấp hành nghiêm tính nguyên tắc, để xảy ra các vi phạm dẫn tới bị kỷ luật, thậm chí vào tù. Tình trạng đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của Đảng, đất nước còn xảy ra. Nhiều cán bộ không gương mẫu, thiếu tu dưỡng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Một bộ phận cán bộ chưa xây dựng được phong cách làm việc quần chúng, có biểu hiện quan liêu, xa dân, mắc bệnh “bàn giấy”, chủ quan, duy ý chí. Có người tích cực đi cơ sở nhưng chỉ gặp cán bộ mà không gặp người dân; chỉ muốn nghe những lời khen ngợi, không muốn tiếp thu những lời phê bình, nguyện vọng chính đáng của dân. Nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đặt ra song không đi vào cuộc sống, không hiệu quả là tác hại của phong cách làm việc nêu trên.
Để phát huy điểm mạnh, khắc phục các hạn chế của cán bộ trong phong cách làm việc, việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là rất quan trọng. Muốn vậy, bên cạnh sự cố gắng của mỗi cán bộ thì sự quan tâm lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, giúp đỡ từ các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương nơi cán bộ công tác là không thể thiếu. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân sẽ là một kênh giám sát, phản ánh hiệu quả để mỗi cán bộ biết phát huy ưu điểm, khắc phục các hạn chế, phòng chống vi phạm của mình để thực sự trở thành người cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” như lời Bác Hồ dạy.
MINH ANH