Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Người thầy vĩ đại của báo chí Cách mạng Việt Nam!
Ngày cập nhật 01/07/2024

 Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà báo xuất sắc, mà còn là người sáng lập, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong khoảng nửa thế kỷ làm báo của mình, Người đã sử dụng hàng trăm bút danh, viết hàng ngàn bài báo với nhiều thứ tiếng, thể loại khác nhau. Đây thực sự là một di sản mang tầm tư tưởng, văn hoá lớn, luôn có tính thời sự, hiện đại; gắn liền với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và Nhân dân ta.

Trong di sản báo chí của Người để lại, tư tưởng chính trị luôn thống nhất hữu cơ với phương pháp; lý luận gắn liền với thực tiễn; báo chí là để phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ Đảng và đông đảo quần chúng nhân dân. Người coi “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”1.

Trong hành trình đầu tiên đi tìm đường cứu nước, sau khi đến Pháp chưa lâu, không kể các đoạn tin ngắn đăng trên báo “Đời sống thợ thuyền”, với cái tên Nguyễn Ái Quốc, Người đã gửi bản yêu sách của Nhân dân An Nam tới hội nghị Versailles. Bản yêu sách đã gây tiếng vang và trở thành bài báo đầu tiên với đúng nghĩa của nó, được đăng trên báo “Dân Chúng” và báo “Nhân Đạo” ngày 12/6/1919. Từ đây, nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với nhiều bút danh khác nhau, lúc thì làm xôn xao dư luận với các bài chính luận sắc bén; lúc lại gây chú ý với các tin ngắn, tiểu phẩm; lúc lại thu hút người xem với các tranh biếm hoạ đả kích sắc nhọn, hàm chứa tính trào lộng châm biếm đầy sức tiến công không chỉ gây ấn tượng, mà còn lột trần bộ mặt thật giả nhân giả nghĩa của chủ nghĩa đế quốc, thực dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo vĩ đại, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu

Các thể loại tác phẩm báo chí của Người đều có chung mục đích khơi dậy, kêu gọi quần chúng lao khổ đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại tự do, độc lập; cơm no áo ấm cho người lao động và xây dựng xã hội mới.

Chỉ thời gian ngắn sau khi có các bài đăng báo nói trên, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với một số nhà hoạt động của các nước thuộc địa sáng lập ra tờ báo “Người cùng khổ”, tờ báo của Hội Liên hiệp thuộc địa, tổ chức đại diện cho những người dân bản xứ ở tất cả các nước, vùng đất thuộc địa của Pháp. Với Người, nghề báo, nghiệp báo “cây bút, trang giấy” dù ở đâu, khi nào thực sự là “vũ khí sắc bén” nhằm đấu tranh phục vụ cho lợi ích của cách mạng, của đất nước, của đông đảo quần chúng nhân dân lao động.

Sau rất nhiều nỗ lực, ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc) tờ báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo, viết bài, biên tập, phát hành đã ra số đầu tiên, khơi nguồn cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam phát triển. Dù chỉ tồn tại 88 số báo, song báo Thanh niên đã góp phần to lớn vào việc thức tỉnh, nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị cho một lớp cán bộ cách mạng của Đảng sau đó.

Từ đây, những tư tưởng tiến bộ đi theo con đường của V.I. Lê nin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại cùng với phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, nhất là sau khi có Đảng Cộng sản ra đời lãnh đạo đã ngày một lan toả sâu rộng trong đông đảo quần chúng nhân dân. Để khẳng định vai trò và sự cần thiết của báo chí cách mạng, Người đã chỉ đạo hoặc tham gia trực tiếp sáng lập ra nhiều tờ báo quan trọng khác phục vụ cho sự nghiệp cách mạng nước ta, như: Tạp chí đỏ, tiền thân của Tạp chí Cộng sản (5/8/1930), báo Việt Nam độc lập (1/8/1941), báo Cứu quốc, tiền thân của báo Đại đoàn kết (25/1/1942), Đài Phát thanh quốc gia, nay là Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945), Thông tin quốc gia, nay là Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945) và báo Nhân dân (11/3/1951).

Khác với nhiều tờ báo ra đời sớm trước đó, như: Gia định báo (15/4/1885), Nữ giới chung (1/2/1918), báo Tiếng dân (1927)… báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, chỉ đạo, vun trồng luôn giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh cách mạng theo con đường giành độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng phải xác định được lập trường chính trị cho đúng. Có như vậy, báo chí mới phục vụ được Nhân dân, mới mang tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Theo đó, khi nước nhà chưa giành được độc lập thì báo chí cách mạng phải hướng chống thực dân đế quốc, tuyên truyền cho độc lập dân tộc; còn khi nước nhà đã giành được độc lập rồi thì báo chí phải tuyên truyền phục vụ Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và đóng góp tích cực cho hoà bình thế giới. Trách nhiệm của người làm báo là rất quan trọng và vẻ vang. Báo chí phải làm được việc của người tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo chung dân chúng.

Trung tâm của báo chí nói chung, trong từng tác phẩm báo chí của Hồ Chí Minh nói riêng bao giờ cũng là con người. Đây là những con người cụ thể bằng xương, bằng thịt đang chiến đấu, học tập, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó có thể là anh bộ đội, người trí thức, người nông dân, anh công nhân, chị lao công, người cán bộ đảng viên, người cao tuổi cho đến các cháu thiếu niên, nhi đồng… qua ngòi bút của Người, tất cả đều toát lên sự tin yêu vô hạn, sự tôn trọng, bao dung và niềm tin tuyệt đối vào con người, tất cả vì con người.

Chỉ hơn nửa năm 1969, trước lúc đi xa, trong 4 bài báo viết trong những tháng đầu năm này có đến 3 bài viết về con người. Thật cảm động biết bao, lúc này Bác vẫn giành muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên nhi đồng, bằng bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” ký tên “T.L.”, đăng trên báo Nhân dân số 5526, ngày 1/6/1969.

Chính vì đối tượng của báo chí cách mạng là đại đa số dân chúng như nói trên nên theo Hồ Chí Minh cách viết báo cũng phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn từ phải trong sáng, giản dị để dân chúng ai cũng đọc được. Đã viết phục vụ Nhân dân thì việc chọn vấn đề, nội dung phải có lợi cho dân và phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Chính vì vậy, người làm báo phải không ngừng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân của Đảng để hoàn thành nhiệm vụ.

Điều cần thiết cho người làm báo, theo Người là phải giữ vững tính Đảng, bởi báo chí chỉ đúng về chính trị khi được Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin lãnh đạo dẫn đường, báo chí cách mạng là để phục vụ Nhân dân. Ở đây tính Nhân dân cùng với tính Đảng luôn là nội dung nhất quán, thống nhất cao trong tư duy báo chí Hồ Chí Minh. Đây chính là điều căn cốt thuộc về bản lĩnh chính trị mà người làm báo cách mạng phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện. Làm được như vậy, người làm báo mới dám tiên phong đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù cũng như đấu tranh với các thói hư, tật xấu đi ngược lại quy luật lịch sử xã hội.

Hơn thế, tính chiến đấu, bản lĩnh vững vàng của người làm báo không chỉ dám tấn công kẻ thù của cách mạng, mà còn biết tuyên truyền, cổ vũ cái hay, cái mới, cái tiến bộ để động viên mọi người hăng hái làm cách mạng, qua đó mà lấn át, đẩy lùi thói hư, tật xấu, cái lạc hậu trong xã hội. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, lao động sản xuất để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng. Người yêu cầu “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”2.

Ngay khoảng đầu những năm 1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bộn bề công việc, Người vẫn chỉ đạo cho báo đảng, các đoàn thể phải mở chuyên mục “Người mới, việc mới”, sau đổi thành “Người tốt, việc tốt”. Từ những chỉ đạo cho ra loại hình bài mới này đã nhanh chóng trở thành phong trào cách mạng sâu rộng và sự ra đời của tủ sách “Người tốt, việc tốt”, một hình thức tuyên truyền đầy hiệu quả và thiết thực.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghề báo là một loại hình nghề nghiệp đặc biệt, không chỉ là hoạt động chính trị - xã hội đơn thuần, mà còn là một hoạt động mang tính sáng tạo, thể hiện ra là các tác phẩm báo chí. Chính bởi vậy, nói đến báo chí cách mạng, đầu tiên phải nói đến cán bộ báo chí.

Theo Hồ Chí Minh, cán bộ báo chí không dừng chỉ ở người viết báo, mà còn bao gồm cả người biên tập, người duyệt bài, người in, người phát hành… tất cả đều phải là người chiến sỹ cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng và kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Đây chính là những yếu tố, phẩm chất có ý nghĩa quyết định cho một tác phẩm báo chí hoàn chỉnh gửi đến công chúng. Bởi vậy, người làm báo trong bất cứ hoàn cảnh nào đều phải cố gắng tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu vươn lên.

Đặc biệt, người làm báo bên cạnh chính trị làm chủ, phải có lòng trung thực. Đây phải được xem là tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức hàng đầu mà bất cứ người làm báo cách mạng chân chính nào cũng phải có để sẵn sàng đương đầu chống lại cái xấu, cái ác, bảo vệ chân lý. Chính bản thân Người luôn là tấm gương mẫu mực về tính trung thực của người làm báo. Trong khoảng 2.000 bài báo, từ bài đầu tiên vào nghề viết trên đất Pháp cho đến khi đã là Chủ tịch nước, Người vẫn viết báo và luôn là nhà báo rất mực trung thành, trung thực, trong sáng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đời sống luôn phát triển, đổi mới, người làm báo chân chính không chỉ chọn viết cái tốt mà giấu đi cái xấu; song tốt hay xấu, khen hay chê phải có động cơ trong sáng, khách quan, tuyệt đối không để lợi ích cá nhân chi phối.Nói cách khác, nêu cái hay, cái tốt cũng phải có chừng mực, có sao nói vậy, không được phóng đại, nói quá, viết “dây cà ra dây muống”. Một bài báo phải viết sao cho vừa đủ là tốt nhất, điều đó có nghĩa phải biết lượng thông tin, viết cô đọng, lời ít ý nhiều, không vòng vo, đi thẳng vào bản chất vấn đề. Cũng như vậy, phê bình cái xấu, cái lạc hậu cũng phải đúng đắn, mang hàm ý xây dựng, cốt để người có khuyết điểm sửa chữa.

Trong điều kiện xã hội phát triển, thông tin càng nhanh, nhiều, phong phú đa dạng thì yêu cầu báo chí càng phải trung thực, chính xác. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chỉ dẫn: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”3. Làm được như vậy, sự thuyết phục của báo chí với công chúng sẽ càng lớn, càng bền vững. Báo chí cách mạng không phải để cho một số ít người xem mà để phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, nên theo Hồ Chí Minh, một tờ báo mà không được đại đa số Nhân dân ham muốn tìm đọc thì không còn xứng đáng là một tờ báo.

Chính vì vậy, để báo chí có người đọc theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải chọn cách viết cho dễ hiểu mà vẫn bảo đảm nội dung, vấn đề, tính giáo dục chính trị, có tác dụng cổ động; còn người đọc thì dễ nhớ, dễ làm theo. Để làm được, đơn giản là học ngay cách nói của dân chúng. Theo đó cũng là cách đơn giản nhất để báo chí đến được gần với người đọc; báo chí phải từ trái tim đến với trái tim.

Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh người làm báo phải tránh “bệnh hay nói chữ”, hãy dùng những từ thông dụng quần chúng hay dùng. Bằng việc học theo cách nói này của quần chúng mà nhiều câu nói của Người đã trở thành câu nói thường ngày trong xã hội như “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “Không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền…”, “Thương binh tàn, nhưng không phế”…

Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo để báo chí không chỉ phát triển nhanh về số lượng, mà cả nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, đặc biệt chăm lo cho sự lớn mạnh của đội ngũ những người làm báo.

Báo chí nước ta đã phản ánh rất tốt và sinh động thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ những người làm báo đã và đang tiếp cận rất nhanh với cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số hoá báo chí, kịp thời chuyển tải thông tin, định hướng dư luận xã hội, đưa được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công chúng, làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân.

Báo chí đã đáp ứng nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời phản ánh nhiều vấn đề hiện thực, bức xúc của xã hội; thực hiện tốt chức năng giám sát xã hội và phản biện xã hội; làm cầu nối gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Tuy nhiên, báo chí cần làm tốt hơn nữa, đặc biệt phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn với phát huy sức mạnh, quyền làm chủ của Nhân dân, tạo đà đưa công cuộc đổi mới đất nước đi đến thành công.

Công cuộc đổi mới của đất nước đang đi vào chiều sâu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi mỗi người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, năng lực chuyên môn vững vàng. Có như vậy, người làm báo mới mong có các tác phẩm báo chí xuất sắc, thiết thực đóng góp cho công cuộc đổi mới đất nước, xứng đáng và vinh dự là người học trò, người chiến sỹ cách mạng trên mặt trận báo chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu truyền dạy.

Chú thích:

1.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. H. 2011, tập 13, tr. 466.

2.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 405.

3.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 346.

NGUYỄN QUANG DU -  Tiến sĩ, Nguyên Giám đốc

Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 119.480
Truy cập hiện tại 1.299