Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chủ tịch Hồ Chí Minh và vấn đề chấn chỉnh đội ngũ cán bộ
Ngày cập nhật 21/05/2024

 - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" và "Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong". Bởi vậy, bên cạnh việc chăm lo xây dựng một đội ngũ cán bộ tốt, Người cũng luôn coi trọng việc thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực.

Ngày 2/9/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Ngay trong những ngày đầu chính quyền còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ. Người chọn những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để đảm đương công việc, cùng với đó nêu rõ quyết tâm đấu tranh chống những căn bệnh dễ mắc trong bộ máy Nhà nước như: làm trái, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, hách dịch, ăn hối lộ, hủ hóa....

Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: "Vừa mới giành được chính quyền người đã lập ngay Ban Thanh tra để ngăn chặn tất cả những chứng bệnh của một đảng cầm quyền, những chứng bệnh mà cán bộ thường mắc phải khi có quyền lực: tệ lộng quyền, tiến quyền, lợi dụng quyền lực để mưu lợi cá nhân, mưu lợi dòng họ, mưu lợi phe nhóm hoặc cá nhân cán bộ tư túi, hủ hóa, xa xỉ, phù hoa".

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tuyên ngôn độc lập.

Trong bối cảnh trăm công nghìn việc, thù trong giặc ngoài... Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết tổ chức việc biên soạn và công bố Hiến pháp. Bởi Hiến pháp chính là "cái lồng để nhốt quyền lực", để không bị tha hóa, không bị lạm dụng.

Tháng 11/1946, trả lời trước Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch, Người nói: "Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết". Người cũng yêu cầu cán bộ phải thực hành chữ liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân.

PGS. TS Đoàn Thế Hanh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: "Người đặc biệt lưu ý chính quyền của chúng ta là chính quyền của dân, do dân ủy thác. Cho nên khi đã trao quyền lực cho Đảng, cho đội ngũ cán bộ đó thì việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ là việc hệ trọng, được xác định là số một trong công tác cán bộ; để đảm bảo cho cán bộ đó giữ đúng phẩm chất lập trường, nhưng quan trọng hơn là thực thi đúng đường lối, chính sách của Đảng".

Mùa thu năm 1950, tại thị xã Thái Nguyên (nay là thành phố Thái Nguyên) - thủ đô kháng chiến, tòa án binh tối cao đã mở phiên tòa đặc biệt xét xử vụ án đặc biệt đối với Trần Dụ Châu, nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội "Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến". Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: "Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm".

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi cán bộ vi phạm kỷ luật, tha hóa biến chất, cho dù ở vị trí công tác nào, Người cũng kiên quyết xử lý, thấu tình đạt lý, giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục xử lý nghiêm minh một cán bộ cao cấp tha hóa, biến chất - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng. Khi được Tòa án Nhân dân Tối cao xin ý kiến về vụ án liên quan đến nhân vật này, sau khi cân nhắc, Bác Hồ đã đi đến quyết định: "Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt".

Tư tưởng của Người về giữ gìn kỷ luật Đảng, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm đang tiếp tục được Đảng, Nhà nước thực hiện nghiêm túc theo đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kỷ luật của Đảng không ai được coi là ngoại lệ. Nhiều vụ việc, vụ án lớn, phức tạp đã được khởi tố, truy tố, điều tra, xét xử với nhiều mức án, hình thức kỷ luật thỏa đáng. Những cán bộ sai phạm liên quan đều phải chịu những hình thức kỷ luật nghiêm minh của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chưa bao giờ nhiều cán bộ, cả ở cấp chiến lược, bị kỷ luật, hoặc phải từ chức vì có sai phạm hay để cho cấp dưới sai phạm, thậm chí bị xử lý hình sự, như thời gian gần đây. Mới qua hơn nửa nhiệm kỳ khóa 13 đã có gần 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó nhiều trường hợp phải xử lý hình sự; đặc biệt là sáu trường hợp được Trung ương cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị và nhiều chức danh khác. 

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thì cho rằng: "Chủ tịch Hồ Chí Minh nói 9/10 những khuyết điểm, những sai phạm là do thiếu kiểm tra, giám sát mà ra. Điều ấy có nghĩa kiểm tra, giám sát quyền lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc để quyền lực ấy thực hiện trong đúng những quy định của pháp luật."

Trọn cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về tinh thần thượng tôn pháp luật. Người cho rằng pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ đó giữ cương vị nào, làm nghề gì. Tư tưởng đó được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kế thừa và khẳng định: "Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!".

Việc phải xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ là việc làm không ai muốn, nhưng đó là việc làm cần thiết bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tạo niềm tin, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Có như vậy, Đảng ta mới khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm, giữ gìn sự trong sạch và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 119.480
Truy cập hiện tại 107